Việt Nam hiện nay đang sở hữu 2 “khu vực ba biên giới”: Một khu vực là ở xã Xín Mần, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên – giáp Lào và Trung Quốc. Còn một khu vực khác nữa thuộc địa phận xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp tỉnh Attapư – Lào và tỉnh Ratarakiri – Campuchia. Trong đó cột mốc biên giới Campuchia – Lào – Việt Nam nằm cách Ngã ba Đông Dương khoảng 10 cây số, trên một ngọn đồi cao 1.068m. Cột mốc là khối đá granit cao 2 mét, hình trụ tam giác, 3 mặt hướng về 3 nước, mỗi mặt khắc Quốc hiệu, Quốc huy mỗi nước, đỏ màu son. Cột mốc có mặt phía Campuchia thuộc địa phận của tỉnh Ratanakiri. Cột mốc có mặt phía Lào thuộc địa phận tỉnh Attapư.
Khi đứng trên đỉnh cao, bên cột mốc thiêng liêng của đất nước này, đưa mắt nhìn ra xung quanh, bạn sẽ cảm nhận được hết nét đẹp của thiên nhiên từ "mái nhà Đông Dương" huyền thoại này.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ) cũng đã từng nhắc đến cột mốc thiêng liêng này trong tập hồi ký “Trọn một con đường” như sau: “Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát “Thánh địa” này. Và cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”. Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt – Miên – Lào cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh… Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương”.
Chính ở cột mốc này, vào ngày 18/01/2008 đại diện Bộ Ngoại giao ba nước và đại diện lãnh đạo ba tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) đã đên đây để dự buổi lễ khánh thành cột mốc chung mang số hiệu 2007.
Lưu ý, muốn đến được ngã ba biên giới và đi lên thăm cột mốc 3 mặt, bạn cần phải đăng ký với bộ đội biên phòng.