Xuất phát từ thác Đray Sáp (huyện Chư Jút – tỉnh Đắc Nông), du khách phải đi hơn 25km đường qua rừng đặc dụng, men theo sông Sêrêpôk, mới đến quần thể hang động núi lửa Chư Bluk (tại xã Buôn Chóa – huyện Krông Nô).
Núi lửa Chư Bluk có miệng núi tròn đều với bán kính 300m và chiều sâu xuống đáy là 60m. Do cấu trúc đặc biệt nên ở đây, thảm thực vật trên núi khá dồi dào và phong phú. Đặc biệt, nơi đây có nhiều hang đông với chiều dài hàng trăm mét, trong đó có hang dài hơn 1.000m và lối thông ra ngoài. Hệ thống hang động này được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa từ hàng triệu năm về trước, được đánh giá là có giá trị cao về mặt khoa học địa chất, giáo dục thiên nhiên và có tiềm năng to lớn về du lịch.
Bên ngoài núi lửa là hàng loạt những cánh rừng với các loại cây họ dầu mọc giãn cách, rụng lá vào mùa khô. Chung quanh miệng núi là hàng ngàn bụi le, cỏ hôi phát triển, cao lút đầu người trưởng thành. Còn dưới lòng chảo đa phần là cây gỗ quý như: cẩm lai, cà te, bằng lăng… quanh năm tươi tốt.
Tới được đáy miệng núi lửa, nên tránh đi xuống vực theo chiều thẳng đứng rất nguy hiểm, mà phải men theo những vách đá lòng chảo. Khi đã đến núi lửa Chư Bluk, bạn sẽ thấy một khoảng xanh rờn của cây môn rừng và những bụi dương xỉ mọc tập trung trên bãi đá bazan và xung quanh là những hang tối sâu thẳm mang đầy vẻ huyền bí, ma mị được tích lũy qua hàng triệu triệu năm đọng lại. Chính nơi này rất nhiều thế kỷ trước đã sinh ra lượng dung nham với sức nóng khủng khiếp lên tới 1.200 độ C và dòng chảy tràn của nó đã hình thành nên hơn 100 hang lớn, nhỏ đang được khám phá như chính cái tên của nó: “Chư” là “núi”, “Bluk” có nghĩa là “cội nguồn”, theo tiếng đồng bào dân tộc Ê Đê.
Phía trong hang, là cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt của đá bazan khắc tạc lên được quá trình hoạt động núi lửa phun trào trước kia. Hiện tại, nơi này vẫn đang đươc các nhà nghiên cứu khảo sát, đo đạc tại hơn 10 hang dung nham nằm rải rác ở các độ cao từ 428m – 530m so với mặt biển và phần lớn các hang dung nham này đều có hình dạng ống, nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau. Trong đó, hang động C7 dài 1.066,5m đã được công nhận là đẹp và dài, lớn nhất Đông Nam Á, kế tiếp là hang C3 có chiều dài 594,4m, xếp thứ hai.